Mới đây, dư luận xôn xao trước sự việc NTK thời trang nổi tiếng Lê Thanh Hoà (trú tại quận 3, TP. HCM) bức xúc vì Công ty dịch vụ chuyển phát nhanh Kerry Express (viết tắt KEVN, trụ sở TP. HCM) làm mất hàng hoá của anh nhưng lại có biện pháp xử lý không thoả đáng.
Theo đó, nhân viên chuyển phát của KEVN đã làm mất của anh Hoà gói hàng hoá trị giá lớn lên đến hơn 65 triệu đồng, tuy nhiên chỉ đền bù số tiền 320.000 đồng theo quy định (tức 4 lần tiền cước, 80.000 đồng/lần).
Nhà thiết kế Lê Thanh Hòa bày tỏ bức xúc khi công ty giao hàng KEVN làm thất lạc bưu kiện của khách hàng.
Liên quan đến vấn đề này nhiều người cho rằng, nếu công ty chuyển phát chỉ đền bù đúng theo quy định của pháp luật khi làm mất hàng hoá của người gửi thì những món hàng giá trị lớn sẽ có nhiều nguy cơ bị mất hoặc "rút ruột". Như vậy, phải làm thế nào để gửi hàng hoá giá trị lớn một cách an toàn, hoặc nếu mất được bồi thường đúng giá trị hàng hoá?
Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn LS TP. HCM) cho biết, trong lĩnh vực Bưu chính đã có quy định riêng dựa trên Nghị định 47/2011/NĐ-CP.
Theo đó, nếu người gửi bị bên giao hàng làm mất hàng hoá thì bên giao hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong dịch vụ bưu chính dựa theo Nghị định trên.
NTK Lê Thanh Hòa.
Tuy nhiên, LS. Hùng cho rằng, phía người gửi và phía người giao hàng vẫn có quyền thỏa thuận mức bồi thường cao hơn so với Nghị định. Trong vụ việc của anh Hoà, do ban đầu hai bên không thoả thuận mức bồi thường nào khác, vì vậy phía công ty giao hàng sẽ áp dụng theo Nghị định này là đền bù 4 lần tiền cước.
"Theo tôi nếu để thay đổi được bản chất giao dịch và mức bồi thường thì chỉ có sửa đổi, bổ sung nghị định trên hoặc có thể các bên được quyền thỏa thuận mức bồi thường. Vì vậy quan trọng nhất vẫn là do thỏa thuận các bên", LS Hùng nói.
LS Hùng cho biết thêm, nếu trường hợp người gửi bị bên giao hàng làm mất hàng hoá có thể kiện bồi thường dựa trên Bộ luật dân sự. Cụ thể, trong Bộ luật dân sự thì sẽ bồi thường theo thoả thuận hoặc theo thiệt hại thực tế, tức là thiệt hại bao nhiêu thì bồi thường bấy nhiêu thông qua giá trị của hàng hoá.
Luật sư Trần Minh Hùng
Theo LS, việc áp dụng Bộ luật dân sự trong trường hợp này thì khó khả thi vì lĩnh vực này sẽ ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành, tức Nghị định 47/2011/NĐ-CP nêu trên.
Để đảm bảo hàng hoá có giá trị không bị mất hoặc nếu mất sẽ nhận được đền bù thiệt hại thoả đáng, LS Hùng khuyến cáo: "Các bên nên làm một hợp đồng ràng buộc nếu để mất hàng thì phải bồi thường thiệt hại tương đương với giá trị hàng hoá đã mất. Để làm điều này thì bên gửi phải xác thực giá trị hàng hoá bằng hóa đơn rõ ràng hoặc nguồn gốc hàng hoá".
Nghị định 47/2011/NĐ-CP quy định tại Điều 24 về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:
1. Việc bồi thường thiệt hại trực tiếp được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Không bồi thường thiệt hại gián tiếp ngoài hợp đồng hoặc các nguồn lợi không thu được do việc cung ứng dịch vụ bưu chính không bảo đảm chất lượng mà hai bên đã thỏa thuận.
2. Bưu gửi bị mất, hư hỏng hoặc tráo đổi toàn bộ thì được bồi thường theo quy định đối với từng loại dịch vụ. Mức bồi thường thiệt hại do doanh nghiệp quy định không thấp hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường của từng loại dịch vụ theo quy định tại Điều 25 Nghị định này.
3. Không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau đây:
a) Dịch vụ bưu chính không có chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi;
b) Người sử dụng dịch vụ không có chứng từ chứng minh việc sử dụng dịch vụ".
Còn tại Điều 25 Nghị định 47/2011/NĐ-CP về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
1. Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại tối thiểu được quy định như sau:
a) Đối với dịch vụ bưu chính trong nước: 04 lần cước (đã bao gồm hoàn trả lại cước dịch vụ đã sử dụng) của dịch vụ đã sử dụng;
b) Đối với dịch vụ bưu chính quốc tế được vận chuyển bằng đường hàng không: 09 SDR/kg (được tính theo từng nấc khối lượng 500 gram, phần lẻ được tính bằng 500 gram) nhưng không thấp hơn 30 SDR/bưu gửi, cộng với hoàn trả lại cước của dịch vụ đã sử dụng;
c) Đối với dịch vụ bưu chính quốc tế được vận chuyển bằng phương thức khác: 05 SDR/kg (được tính theo từng nấc khối lượng 500 gram, phần lẻ được tính bằng 500 gram), cộng với hoàn trả lại cước của dịch vụ đã sử dụng.
2. Trường hợp vi phạm hợp đồng đã giao kết do không đảm bảo thời gian toàn trình đã công bố và người sử dụng dịch vụ bưu chính có chứng từ chứng minh việc không đảm bảo thời gian toàn trình đó, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có trách nhiệm hoàn trả lại cước của dịch vụ đã sử dụng cho người sử dụng dịch vụ bưu chính.
3. Việc bồi thường thiệt hại đối với dịch vụ bưu chính quốc tế trong khuôn khổ Văn kiện của Liên minh Bưu chính Thế giới do doanh nghiệp được chỉ định cung ứng phải tuân theo các quy định về bồi thường trong Văn kiện của Liên minh Bưu chính Thế giới"
Tin liên quan
25/04/2024
Lịch nghỉ lễ Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 và Quốc tế lao động 1/5 năm 2024
15/04/2024
21/12/2023
27/09/2023
Hotline
Bình luận